15/9/15

15/9/15 - - 12 cảm nhận - lượt đọc

Chờ Nhé !

+A Tăng cỡ chữ =A Cỡ mặc định -A Giảm cỡ chữ


Kịch bản tiểu phẩm:

Chờ Nhé !

Một tiểu phẩm về thái độ tiếp đón bệnh nhân của một điều dưỡng, vì thiếu niềm nở, chu đáo do mãi lo việc riêng nên làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân.
Tiểu phẩm một (01) cảnh, ba (03) màn

Ba nhân vật nữ:
1. Điều dưỡng tiếp đón bệnh nhân.
2. Bệnh nhân bị đau bụng.
3. Điều dưỡng trưởng Khoa Khám bệnh.

Địa điểm:
Cảnh diễn ra tiểu phẩm là nơi Tiếp đón bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân các thủ tục cần thiết để được khám và đến phòng khám bệnh đúng chuyên khoa. Có một bàn, một ghế cho điều dưỡng ngồi hướng dẫn, được bố trí giữa sân khấu, một ghế cho bệnh nhân ngồi chờ được bố trí bên phải (hoặc trái) bàn tiếp đón. Tất cả bàn, ghế đều hướng xuống phía khán giả.

Thời gian:
Thời điểm diễn ra tiểu phẩm là đầu giờ trưa trong ngày làm việc của điều dưỡng tiếp đón. Trời trưa khoảng 13 giờ, đang nắng nóng.
------------------------------

Màn 1

Nhân vật:
Cô điều dưỡng tiếp đón, trang điểm khuôn mặt thật đẹp, tóc uốn (hoặc kết) kiểu cách; mặc bộ đồng phục điều dưỡng, nón điều dưỡng đội sơ sài (do sợ làm hư đầu tóc), đeo túi xách cá nhân; tâm trạng vui vẻ bước ra, yểu điệu tiến đến bàn tiếp đón. Tự thoại (tự nói chuyện một mình) 

Điều dưỡng: (đến trước bàn tiếp đón, quay về phía khán giả, giơ tay xem đồng hồ rồi gật gật đầu, vội vàng chụp giữ nón điều dưỡng, tự thoại) 

- May quá, mình đi làm chỉ mới bị trễ vài phút thôi mà! (quay ngang đi tiếp tới và yểu điệu vòng ra sau bàn tiếp đón, đặt túi xách lên bàn, mở túi xách tìm cái gương, ngồi xuống ghế, bỏ mũ xuống bàn, giơ gương lên, nghiêng đầu, quay đầu qua lại ngắm nghía mái tóc trong gương, mặt hí hửng) 

- Công nhận nha, công nhận là mình hay quá nha, chọn được kiểu tóc này thiệt là hết ý luôn, chiều nay đi dự đám cưới cho mấy chàng mê chết luôn, còn đám bạn gái của mình ha? Tha hồ mà ganh tỵ nhé! Hí hí hí… (chợt nhăn nhó) 

- Ủa, còn mấy cọng đuôi tóc lơ thơ này sao không nằm trong cái hệ nào vậy ta, cứ phất phơ, phất phơ thấy mà phát ghét, phải mắng cho con nhỏ uốn tóc một trận mới được… (hòa hoãn trở lại)

- Ứ… Ừ…, tại mình cũng vội mà, sắp đến giờ đi làm rồi, phải tranh thủ chứ lị, thôi xí xóa xí xóa, nhăn nhó mất… đẹp! (cười hí hửng tự khen, gật gù bỏ gương vào túi xách. Chợt giật mình nhớ ra) 

- Thôi chết, quên dặn nhỏ bạn chuẩn bị quà mừng đám cưới rồi! (lục túi xách tìm điện thoại di động, bấm bấm số trên điện thoại, chăm chú nghe) 

- Sao không ai nghe điện thoại nhỉ, nhỏ này chắc đang ngủ rồi, bực bội! (rồi lại bấm điện thoại, chăm chú nghe rồi bực bội bỏ điện thoại lên bàn) 

- Ngủ gì mà ngủ mê dữ vậy không biết, điện thoại réo inh ỏi như thế cũng không nghe thấy, thiệt là bực bội mà! Trời nóng quá đi! (bực bội quạt quạt bằng tay, chợt nhìn mấy đầu ngón tay, lắc lắc đầu không vừa ý, mở túi xách tìm cái dũa, ngồi chăm chú dũa dũa các móng tay… săm soi… dũa dũa)… 

---------- 

Màn 2 

Nhân vật: 
Một bệnh nhân nữ đi vào, mặc bộ quần áo bà ba đơn giản, tay cầm nón lá (hoặc nón vải khác tùy ý); khuôn mặt xanh xao, mệt mỏi; nhìn cô điều dưỡng đang bực bội dũa móng tay, rụt rè, e ngại chậm chậm tiến đến bên bàn tiếp đón. 
Cô điều dưỡng đang ngồi, không nhìn thấy bệnh nhân; vừa dũa vừa săm soi móng tay với vẻ bực bội vì chưa điện thoại được cho bạn. 
--- 

Bệnh nhân: (tay mân mê cái nón, rụt rè nói nhỏ nhỏ) 
- Thưa cô… 

(Cô điều dưỡng vẫn đang bực bội, chăm chú dũa dũa móng tay, chưa nghe thấy bệnh nhân thưa) 

Bệnh nhân: (tay tiếp tục mân mê cái nón, rụt rè hắng giọng, lấy hơi, cúi gần cô điều dưỡng, nói lớn hơn) 
- Dạ thưa cô… cho tôi hỏi… 

Điều dưỡng: (nghe thấy bệnh nhân, quay lại, bực bội xẳng giọng) 
- Hỏi gì? 

Bệnh nhân: (giật mình, ôm ngực sợ hãi nhìn cô điều dưỡng, rồi mừng rỡ, tay mân mê cái nón, rụt rè, ngập ngừng, mệt mỏi nói nhỏ giọng) 
- Dạ… thưa cô… tôi định hỏi… tôi bị… 

Điều dưỡng: (bỏ cái dũa xuống bàn, săm soi các móng tay, cố gắng nghe bệnh nhân, rồi bực bội xẳng giọng lớn hơn) 
- Bị cái gì? Nói lớn hơn một chút đi… 

Bệnh nhân: (giật mình, lúng túng lùi lại một chút, thở lấy hơi… ) 
- Dạ… tôi bị đau bụng… đau lắm ạ… bớt bớt đau rồi tôi đến xin khám… 

Điều dưỡng: (vẫn xẳng giọng) 
- Trước đây có bị đau vậy không? 

Bệnh nhân: (rụt rè, thở lấy hơi… ) 
- Dạ… trước đây tôi bị đau bao tử… 

Điều dưỡng: (vẫn cố gắng lắng nghe bệnh nhân, bực bội xẳng giọng )
- Giờ có đau không? 

Bệnh nhân: (nhìn bụng lắng nghe rồi nhìn cô điều dưỡng)
- Dạ… đau… dạ… bớt… dạ… bớt đau... 

Điều dưỡng: (như nghe thấy chuông điện thoại reo, nhìn xuống bàn, một tay cầm điện thoại lên, nhìn điện thoại, một tay chỉ vào ghế đợi, nói mà không nhìn bệnh nhân) 
- Ngồi ghế đó, chờ một chút! 

(Bệnh nhân vẻ mặt thất vọng, cam chịu, từ từ ngồi xuống ghế, nhìn cô điều dưỡng nói chuyện điện thoại với vẻ chờ đợi sốt ruột,... lâu lâu sau ôm bụng, nhăn nhó, nhấp nhổm) 

Điều dưỡng: (nói hét vào điện thoại) 
- Nè, ngủ gì mà ngủ mê dữ dzậy bà? Bà mua quà cưới chưa? … (lắng nghe điện thoại, nhăn nhó) 
- Chưa mua hả? Trời ơi, bà biết giờ là mấy giờ rồi không?... (vênh mặt) 
- Biết bà phải trực đêm qua, sáng nay mới ra trực nên tui tha cho đó…. (thắc mắc) 
- Ờ, giờ mau quà gì ha?... (nhìn trời, nhìn qua, nhìn lại, đăm chiêu, suy tính, vô tình quay mặt về phía bệnh nhân) 

Bệnh nhân: (chớp cơ hội, ôm bụng nhăn nhó, vịn ghế lom khom định đứng dậy) 
- Cô ơi, tôi bị đau bụng quá! 

Điều dưỡng: (tay che điện thoại, nhíu mày khó chịu nói với bệnh nhân) 
- Chờ một chút đi. 

(bệnh nhân thất vọng, ôm bụng nhăn nhó ngồi xuống ghế trở lại, xoa xoa bụng cho đỡ đau) 
(Cô điều dưỡng nhìn sang phía khác, tiếp tục lắng nghe điện thoại, rồi lắc đầu) 

- Cái gì?... Bộ nồi Inox hả? Cồng kềnh quá… (gõ gõ đầu ngón tay lên mặt bàn suy tính)… 
- Thôi tui tính như vầy, bà mua một bộ trà nghen… nhờ người ta gói quà cho thiệt đẹp vào nghen bà… gói quà xấu là bà chít dzới tui đó… (cười tươi)… 
- Hi hi hi… Rồi rồi… Rồi… 5 giờ chiều lên đón tui nghen… nhớ 5 giờ đó nghen… 

(cúp điện thoại, cười thoải mái, bỏ điện thoại vào túi áo, sửa lại nón điều dưỡng ngay ngắn, quay lại nhìn bệnh nhân hỏi) 

- Đau bụng như thế nào? 

(Bệnh nhân tay ôm bụng, tay vịn ghế lom khom đứng dậy, vẻ mặt càng nhăn nhó vì cơn đau bụng tăng lên, đang định trả lời) 

Điều dưỡng: (chợt nhìn túi áo vì điện thoại reo, lấy điện thoại nhìn, rồi vừa khoát khoát tay về phía bệnh nhân vừa nói) 
- Chờ một chút… chờ một chút… 

(bấm di dộng, đưa điện thoại lên tai, nhìn sang phía khác) 

- Alô… (trợn mắt) Cái gì? Bà lên đón tui trễ hả?... Đi làm tóc ha… (nhăn nhó, khó chịu)…. Rồi rồi rồi… đừng để tui chờ lâu… để tui chờ lâu là tui xù bà luôn đó… rồi rồi rồi… (bỏ điện thoại vào túi áo, giữ luôn tay trong túi áo, nhăn nhó, tự thoại) 

- Con nhỏ này thiệt là… lúc nào cũng bắt mình chờ đợi… chờ chờ chờ… thiệt là bực bội khi phải chờ đợi mà… bữa nào mình bắt nó chờ mình dài cổ một lần cho biết mặt… (dài giọng nhại giọng bạn) 
- Chịu khó chờ nhé! (bĩu môi cong cớn) 
- Nghe mà thấy ghét, khó ưa… 

(trong lúc cô điều dưỡng nói chuyện điện thoại, bệnh nhân đau bụng càng lúc càng tăng, đau quá không nói nổi, ôm bụng trợn mắt buông rơi nón, muốn nôn ói, ngã ra, nằm ngất xỉu) 

Điều dưỡng: (nhìn thấy bệnh nhân ngất xỉu, hốt hoảng chạy ra đỡ bệnh nhân, bắt mạch, dìu bệnh nhân ra ngoài) 
- Nguy rồi, mạch quá yếu, mình phải dìu gấp chị này vào phòng cấp cứu mới được. 
---------- 

Màn 3 

Nhân vật: 
Cô điều dưỡng đi vào, đưa tay lên thấm thấm nhẹ mồ hôi trên trán trên mặt, chợt đứng lại khi nhìn thấy nón bệnh nhân bỏ rơi, bước chân chậm chậm tiến đến, cúi xuống cầm nón lên, thoáng trầm ngâm một chút rồi lắc đầu, bỏ nón lên bàn tiếp đón, và ngồi luôn vào ghế (không vòng qua bàn tiếp đón), săm soi các móng tay, cầm cái dũa trên bàn lên dũa dũa chậm chậm móng tay, thỉnh thoảng nhìn cái nón bệnh nhân để trên bàn, vẻ mặt lo lo, sau đó quay đầu sang phía khác nên không thấy điều dưỡng trưởng bước vào. 
Điều dưỡng trưởng trang điểm nhẹ nhàng, tóc cột gọn, nghiêm trang, hai tay ôm cuốn sổ trực ban, mắt nhìn cô điều dưỡng đang ngồi dũa móng tay từ từ đi vào, tiến gần đến phía trước bàn tiếp đón, dừng lại) 

Điều dưỡng trưởng: (đứng ngang, nhìn cô điều dưỡng đang ngồi dũa móng tay, giọng rõ ràng, dứt khoát, nghiêm chỉnh, tay chỉ phía trước bàn tiếp đón nói) 
- Em đứng dậy, bước ra đây! 

Điều dưỡng: (giật mình, quay lại, nhìn thấy điều dưỡng trưởng, hốt hoảng, lúng túng bỏ cái dũa vào túi xách) 
- Dạ, chị chờ em một chút! 

Điều dưỡng trưởng: (nghiêm giọng nói) 
- Chờ cái gì? Em mau bước ra đây! 

Điều dưỡng: (vội vàng bước ra, đến phía trước bàn tiếp đón thì dừng lại, quay xuống phía khán giả, đứng trang nghiêm, cúi đầu, hai tay nắm nắm vào nhau, vẻ bối rối, hồi hộp) 
- Dạ… dạ… 

Điều dưỡng trưởng: (vẫn đứng ngang, im lặng, chăm chú nhìn cô điều dưỡng khoảng 5 giây, rồi nghiêm nghị hỏi) 
- Chị hỏi em, với em, giờ này đang là giờ gì? 

Điều dưỡng: (liếc liếc điều dưỡng trưởng, e dè) 
- Dạ… đang giờ làm việc… làm nhiệm vụ ạ! 

Điều dưỡng trưởng: (vẫn nghiêm giọng) 
- Vậy nhiệm vụ của em là gì? 

Điều dưỡng: (lại liếc liếc điều dưỡng trưởng, e dè) 
- Dạ, là tiếp đón và hướng dẫn bệnh nhân đến khám bệnh đúng chuyên khoa ạ! 

Điều dưỡng trưởng: (giọng nhẹ nhàng hơn) 
- Vậy em phải tiếp đón bệnh nhân như thế nào? 

Điều dưỡng: (lại liếc liếc điều dưỡng trưởng, cười lấy lòng) 
- Dạ, tiếp đón niềm nở ạ! 

Điều dưỡng trưởng: (nghiêm giọng) 
- Vậy em đã thực hiện đúng như thế chưa? 

Điều dưỡng: (vội cúi đầu, nhớ tình huống bệnh nhân vừa rồi, giật mình, lúng túng, lo lắng) 
- Dạ… dạ… 

Điều dưỡng trưởng: (vẫn nghiêm giọng) 
- Em đã biết em sai sót như thế nào chưa? 

Điều dưỡng: (lo lắng, quẹt mồ hôi trán, cúi đầu, nói nhỏ nhỏ) 
- Dạ… dạ… biết… 

Điều dưỡng trưởng: (giọng mềm mại hơn) 
- Em còn nhớ bệnh nhân em vừa dìu vào phòng cấp cứu hồi nãy không? 

Điều dưỡng: (nhìn lên điều dưỡng trưởng, lo lắng, muốn khóc, nước mắt ngân ngấn, ngập ngừng) 
- Chị ơi… cô ấy thế nào rồi… có… có… nguy hiểm gì… không ạ? 

Điều dưỡng trưởng: (giọng mềm mại) 
- Cô ấy tỉnh rồi, đang được theo dõi, nghi ngờ là bị xuất huyết dạ dày do viêm loét dạ dày mãn tính… 

Điều dưỡng: (trợn mắt, vẻ lo lắng, hối hận) 
- Ôi… 

Điều dưỡng trưởng: (giọng nhủ bảo, nghiêm chỉnh) 
- Em bỏ vị trí nhiệm vụ, nhưng đã đưa bệnh nhân vào phòng cấp cứu kịp thời, đó là một điểm đáng khen; tuy nhiên thái độ tiếp đón bệnh nhân của em chưa tốt. 

Điều dưỡng: (cúi đầu, lắng nghe) 
- Dạ! 

Điều dưỡng trưởng: (vẫn giọng nhủ bảo, nghiêm chỉnh) 
- Tiếp đón niềm nở, không chỉ đơn thuần là nụ cười, thái độ, mà trước hết là tấm lòng yêu thương bệnh nhân như người thân; để rồi ta tạm thời bỏ qua mọi lo toan, vướng bận của cá nhân, gia đình; từ đó ta giữ vững vị trí, tập trung thực hiện nhiệm vụ với tấm lòng yêu thương, tiếp đón người bệnh như tiếp đón người thân của mình, như vậy người bệnh sẽ thấy ấm lòng, giúp họ mau khỏi bệnh. Em hiểu rõ chưa? 

Điều dưỡng: (cúi đầu, lắng nghe) 
- Dạ! 

(ngẩng đầu, vẻ mặt vui mừng vì người bệnh đã ổn, vui vì hiểu được thế nào là tiếp đón niềm nở, vui vì yêu ngành nghề điều dưỡng mình đã chọn và nhiệm vụ đang làm) 

- Thưa chị, em hiểu rồi, em xin hứa sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ ạ, thật niềm nở, thật nhiệt tình khi đón tiếp bệnh nhân với lòng yêu nghề, yêu thương bệnh nhân ạ! Chị cứ chờ nhé! 

(le lưỡi, mắc cỡ, cười tươi) 

(Điều dưỡng trưởng nghiêm mặt, rồi mĩm cười gật đầu; điều dưỡng trưởng vẫy vẫy tay mời bệnh nhân ra, lùi lại cho bệnh nhân đi qua trước mặt tiến đến cô điều dưỡng, quan sát hành động của bệnh nhân và điều dưỡng, gật gật đầu; cô điều dưỡng cầm nón trên bàn trao lại cho bệnh nhân, bệnh nhân cười nhận nón, quay về phía khán giả, cô điều dưỡng cầm túi xách, quay về phía khán giả, đứng ngang hàng với bệnh nhân; điều dưỡng trưởng tiến lên, cả ba người diễn đứng ngang hàng nhau cười tươi chào khán giả rồi cùng đi vào) 

HẾT 

--------------------------------------------------- 
dovaden2010

(Nguồn ảnh: http://benhvienthucuc.vn/wp-content/uploads/2014/12/133.jpg)

Thêm cảm nhận

12 nhận xét:

  1. Về đề tài bệnh viện báo chí cũng nói nhiều , đây đó còn rơi rớt thái độ coi thường bệnh nhân . Nhiều khi để câu khách báo chí thường nói quá lên , mình phải đi thực tế mới biết được . Vừa rồi Salam bị té cầu thang chạy lên bệnh viện nhân dân Gia Định , phong cách làm việc và thái độ của Y Bác Sĩ không chê được chút nào . Nhập tên tuổi vào máy tính xong vào phòng cấp cứu , chưa đày 1 phút là được chăm sóc ngay : Chụp X Quang , rử vết thương sau đó may lại ngay chỉ chưa đầy 1 tiếng . Đó là nói bệnh viện công còn những bệnh viện tư thì còn tuyệt vời hơn nữa chỉ cần có tiền thôi là anh / chị sẽ thành thượng đế ngay

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng như bác AS đã viết "đây đó còn rơi rớt thái độ coi thường bệnh nhân", trong một vài thời điểm nào đó do một, hai cá nhân nào đó...
      Người làm việc trong ngành y cũng chỉ là người, cũng bất toàn, nên trong lúc làm việc cũng có lúc, có nơi còn gây phản cảm, phiền hà cho người bệnh...
      Nhận ra sai sót, khắc phục và nỗ lực vươn lên là rất đáng trân trọng, phải không bác AS? :)

      Xóa
  2. Về chất lượng và giá trị của một kịch bản anh không dám đánh giá , đọc hết và đọc lại thấy cũng chưa hiểu lắm. Thật ra Sỏi đọc kịch bản dù của ai cũng vẫn nó vẫn có cảm giác thế cả mà.
    Thật ra viết kịch bản kịch, hay phim đều phải có chuyên môn mới viết được anh rất phục và chưa dám thử bao giờ thấy rất khó lắm.
    ĐVĐ giỏi thật đấy! Chúc mừng em! Hihi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chỉ là một tiểu phẩm nên quá nhỏ bé, chẳng bõ công đánh giá anh à
      Một người cùng ngành nhờ em viết kịch bản này, cụ thể hóa ý tưởng của họ để họ tham gia một cuộc thi nhỏ nhỏ trong ngành, em đăng bài này như lưu giữ một kỷ niệm của riêng mình trong một thể loại mới, chứ em có giỏi gì đâu anh :)
      Anh viết rất đúng, đọc một kịch bản thì rất khó hiểu, còn cần thêm đạo diễn hướng dẫn diễn xuất và diễn viên thể hiện nhân vật... kịch bản phim còn phức tạp hơn nữa...

      Xóa
    2. Không phải là tiểu phẩm hay đại phẩm mà anh sợ mình đánh giá nó không sát, thậm chí còn sai cả ý tưởng và nội dung. Thẩm định cái mà mình chưa rỗ ràng thì khó. Hihi!

      Xóa
    3. À, thì ra là thế, một lần nữa chứng tỏ anh rất là tinh tế.
      Về điểm tinh tế thì em còn dở, phải học hỏi thêm rất nhiều...
      :)

      Xóa
  3. Câu chuyện đã chỉ ra cái sai và ý thức khắc phục,để nhận rõ trách nhiệm và thái độ ứng xử đúng mực....
    Chúc DVD an vui và có những tác phẩm hay trong nhiều thể loại khác nhau !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh đã có lời động viên, chỉ là một kỷ niệm nhỏ nhỏ của DVD về một thể loại mới mà DVD muốn lưu giữ cho mình trong blog thôi anh ạ!
      DVD chúc anh vui khỏe, an lành! :)

      Xóa
  4. - Chủ đề kịch nhằm phê phán thái độ đón tiếp bệnh nhân của một điều dưỡng. À mà sao anh Đỗ Văn trong ngành Y mà lại viết kịch phê phán thái độ phục vụ của nghề mình vậy. Anh không ngại ồng nghiệp buồn trách anh sao?
    - Tôi đã chỉnh ngày giờ theo hướng đẫn của anh rồi, cám ơn anh Đỗ Văn nhiều.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một người cùng ngành nhờ DVD viết kịch bản này, cụ thể hóa ý tưởng của họ để họ tham gia một cuộc thi nhỏ nhỏ trong ngành, anh à!
      :-d
      Người làm việc trong ngành y cũng chỉ là người, cũng bất toàn, nên trong lúc làm việc cũng có lúc, có nơi còn gây phản cảm, phiền hà cho người bệnh...
      Nhận ra sai sót, khắc phục và nỗ lực vươn lên là rất đáng trân trọng, phải không anh!
      :)

      Xóa
  5. Giờ tôi mới hiểu vì sao anh dẫn dắt thật chi tiết.

    Trả lờiXóa

* Đỗ Văn cảm ơn bạn vào thăm blog-lều cỏ!
- Đỗ Văn rất mong bạn ghi lại cảm nhận vào khung nhận xét khi đọc bài đăng ở trên!
- Bạn có thể copy link ảnh và dán trực tiếp vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn Enter-bạn nhớ xóa hết Enter sau link ảnh!).
- Bạn có thể gõ ký tự ở bên phải biểu tượng cảm xúc vào khung nhận xét.

:) :)) :-) :d :-d :p :>)
=)) ;( ;(( ;-( (o) [-( :-?
:o @-) (p) :-s (m) 8-) :-t
:-b b-( :-# =p~ $-) (b) (f)
x-) (k) (h) cheer