30/6/15

30/6/15 - , - 6 cảm nhận - lượt đọc

Tiếp biến cấu trúc thơ Haiku 5-7-5 tại Việt Nam

+A Tăng cỡ chữ =A Cỡ mặc định -A Giảm cỡ chữ
Thiền sư Matsuo Basho
(Nguồn ảnh: http://www.buddhistedu.org/viet/images/stories/vanhoc/basho.jpg)

Tiếp biến cấu trúc thơ Haiku 5-7-5 tại Việt Nam

Thơ haiku là thể thơ ngắn độc đáo của Nhật Bản (gồm 17 âm tiết 5 – 7 – 5, ngắt nhịp thành 3 câu) và có lịch sử phát triển hơn 400 năm. Vào khoảng từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, thơ haiku bắt đầu được truyền bá ra thế giới và nhận được sự đón chào nồng nhiệt của đông đảo người yêu thơ. Bất chấp cản trở về bất đồng ngôn ngữ, cảm thức văn hoá, thẩm mỹ về thiên nhiên, cho đến nay thơ haiku được tiếp nhận và phát triển tại khoảng 50 nước với trên hai triệu người tham gia sáng tác thơ haiku bằng 30 ngôn ngữ khác nhau gồm tiếng Anh và ngôn ngữ bản địa (1).Cấu trúc ngôn ngữ đa nghĩa, mơ hồ đã tạo cho thơ haiku nét độc đáo riêng, vượt khỏi thời gian, không gian vốn có của nó và đồng hành với người tiếp nhận ở các thời kỳ khác nhau, không gian khác nhau. Sự phát triển rộng rãi của thơ haiku nay còn được ví von là “thời đại của thơ haiku ”. Phong trào thơ haiku ngày càng phát triển mạnh mẽ đến nhiều quốc gia, trong đó có các nước cùng cội nguồn phương Đông như Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam.

1. Thơ haiku vào Việt Nam

So với thế giới và trong khu vực Đông Á, thơ haiku vào Việt Nam khá muộn và vẫn trên con đường tạo hình cho một thể loại thể thơ mới đầy quyến rũ. Vừa tiếp nhận một cách tích cực, thơhaiku tại Việt Nam đang đón chờ những “giải mã” tương thích với văn hóa và thi ca của bản địa. Từ quy ước về cấu trúc 17 âm tiết đến các quy định đề tài về mùa, cách thức ngắt nhịp, diễn đạt cảm thức ẩn ‎ý sâu sắc dường như vẫn còn đang bỏ ngõ chưa có lời kết chính thức cho thơ haikuViệt. Mặt khác, thơ haiku từ nguyên tác tiếng Nhật sang tiếng Việt cũng được chuyển nghĩa với nhiều hình thức với những cảm thức khác nhau nhất là tiếng Nhật và tiếng Việt có nhiều điểm khác nhau như tiếng Nhật đa âm, tiếng Việt đơn âm, trật tự ngữ pháp tiếng Nhật và tiếng Việt cũng khác nhau. Hoặc Việt hóa thơ haiku thành thể thơ lục bát như Vĩnh Sính, hay ngắn gọn súc tích như Nhật Chiêu, làm nhòe nghĩa như Đoàn Lê Giang.

Tại Việt Nam, từ những năm 1970, nhà thơ Chế Lan Viên được cho là một trong những người đầu tiên làm lối thơ kiệm lời, phảng phất nhiều kiếp sống phù du theo âm hưởng thơ haiku (2) với tập thơ Từ thế chi ca (Bài ca từ biệt cõi đời)

Anh chỉ còn một nhúm xương tro trong bình 
Em đừng khóc 
Ngoài vườn hoa cỏ mọc. 

Từ giữa cuối những năm 1990, thơ haiku ngày càng được quan tâm và đón nhận nhiều hơn khi các công trình biên dịch thơ haiku lần lượt được xuất bản như Hài cú nhập môn (Lê Thiện Dũng, 2000), Matsuo Basho và Lối lên miền Oku (Vĩnh Sính, 2001) được xuất bản, đặc biệt các tác phẩm về thơ haiku của Nhật Chiêu như Basho và thơ haiku (1994), Nhật Bản trong chiếc gương soi (1997), Câu chuyện văn chương phương Đông (1998), Thơ ca Nhật Bản (1998),Văn học Nhật Bản từ khởi thuỷ đến 1868 (2003), 3.000 thế giới thơm (2007) đã thu hút người tiếp nhận về vẻ đẹp, tinh tế, quyến rũ của thơ haiku. Thơ haiku đã được đưa vào giảng dạy tại trường phổ thông trung học và đại học. Theo sách ngữ văn lớp 10, thơ haiku được giới thiệu về quy tắc sử dụng “quý ngữ” (từ nói về mùa, thiên nhiên), tinh thần Thiền tông, cảm thức thẩm mỹ tinh tế (đề cao sự vắng lặng, đơn sơ, u huyền, mềm mại, nhẹ nhàng) chủ yếu qua những vần thơ của thi hào Matsuo Basho (1644 - 1694).

Lệ trào nóng hổi
tan trên tóc mẹ
làn sương thu.Vắng lặng u trầm
thấm sâu vào đá 
tiếng ve ngâm. 
(Ngữ văn lớp 10) 

Cho đến nay, vô số bài thơ haiku tiếng Việt được đăng trên các trang web, trên blog và các tập thơ haiku lần lượt được công bố như Chuồn chuồn nghiêng cánh (Thiên Bảo), Bài ca đom đóm – Điệu Haiku đất Việt (Trần Nguyên Thạch), Tươi mãi với thời gian (Lưu Đức Trung),Tuyển tập thơ haiku (Câu lạc bộ thơ haiku TP.HCM), Mắt lá (Huyền Tri), Khúc Vô Thanh (Vũ Tam Huề), Cúc rộ mùa hoa (Đông Tùng), Chấm Hoa Vàng (Hà Thiên Sơn), Hương vương chiều tà – Thơ Haikư Việt (Nguyễn Thị Kim) và nhiều tập thơ khác... 

Bên cạnh đó, bản thảo năm 2006 “Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản” của tác giả Nguyễn Nam Trân được đăng trên trang web với những trang viết sâu sắc và chi tiết về thơ haiku qua các thời kỳ lịch sử phát triển đã trở thành cẩm nang tham khảo cho những người say mê thơ haiku. Và năm 2011, bộ tuyển tập này đã Nhà xuất bản Giáo dục cho in thành sách “Tổng quan Lịch sử văn học Nhật Bản”. Trước đó, “Hợp tuyển văn học Nhật Bản từ Khởi thủy đến giữa thế kỷ 19” của tác giả Mai Liên được xuất bản năm 2010 trong đó có hơn 55 trang nói về sự hình thành thơ haiku từ thời kỳ Edo với tác phẩm thơ haiku kinh điển Lối lên miền Oku của Matsuo Basho. 

Nhận thấy phong trào thơ haiku đang ngày càng phát triển tại Việt Nam, năm 2007, Nhật Bản và Việt Nam lần đầu tiên tổ chức cuộc thi sáng tác thơ haiku Việt – Nhật tại Việt Nam đã thu hútgần 4000 bài của hơn 400 người hâm mộ thơ cho thấy phong trào thơ haiku tiếp tục lan sâu vào nhiều khu vực. Tại cuộc thi lần 2 vào năm 2009, Ban tổ chức đã hạn chế mỗi người dự thi chỉ được tham dự tối đa ba tác phẩm nhưng vẫn đến gần 1000 tác phẩm được gửi đến từ khắp các tỉnh thành của Việt Nam. Sự lan tỏa của thơ haiku quả thật vô cùng! Và năm 2011 đến hẹn lại lên hai năm một lần, cuộc thi sáng tác thơ haiku Việt – Nhật lần 3 đang tái ngộ người hâm mộ thơhaiku với số người và số lượng tác phẩm dự thi tăng nhiều hơn hai lần thi trước. Đặc biệt cũng trongnăm 2011, lần đầu tiên Ủy ban nhân dân thành phố Hội An đăng cai tổ chức thi thơ haiku bằng tiếng Việt, tác phẩm chung khảo được trưng bày tại lễ hội Nhật Bản – Hội An năm 2011. Rõ ràng thơ haiku đang ngày càng len lỏi vào nhiều khía cạnh của cuộc sống, xã hội Việt Nam. 

Từ năm 2007, Câu lạc bộ thơ haiku Việt được thành lập, số lượng thành viên liên tục phát triển với nhiều thành phần, độ tuổi khác nhau. Từ đó đến nay câu lạc bộ đã cho xuất bản 4 nội san, 1 tuyển tập của 21 thành viên, 6 tập thơ cá nhân. Tầm đón nhận thơ haiku tại Việt Nam đang ngày càng được mở rộng hơn, đi từ mã thông điệp của tác giả đến sự giải mã của người nhận, từ mỹ học tiếp nhận đến mỹ học sáng tạo, đã định hướng và khơi mở cho người đọc về một tầm đón nhận mới đối với thơ haiku. Thơ haiku như lăng kính vạn hoa, tiếp tục được phổ biến rộng rãi và càng làm cho việc nghiên cứu thơ haiku càng sôi động, trăm hoa đua nở với nhiều đề tài khác nhau. Các bài viết nghiên cứu về thơ haiku đã được đăng trên các tạp chí như “Một số đặc điểmnghệ thuật của thơ haiku Nhật Bản”(2002), “Thơ haiku Nhật Bản viết về mùa xuân” (2004) của Hà Văn Lưỡng đăng trên tạp chí Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á (nay là tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á). “Thiền và thơ haiku” của Lê Thị Thanh Tâm (2003) trong ấn phẩm Thơ - Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình. Thơ haiku trở thành đề tài luận văn, công trình nghiên cứu của nhiều sinh viên đại học và sau đại học, gần đây nhất là luận văn thạc sĩ “Ý thức thẩm mỹ Nhật Bản trong thơ haiku” của Nguyễn Lam Anh (2010). Điều này cho thấy tại Việt Nam, thơ haiku đang được đón nhận sâu sắc hơn, toàn mỹ hơn. 

2. Tiếp nhận và sáng tạo ẩn ý thơ haiku 

Thơ haiku cô đọng, súc tích có sức quyến rũ người đọc, nhưng thường được cho là khó hiểu bởi cái “hữu hạn” ngắn gọn của các số vần, số câu, âm tiết lại thể hiện nội dung thật “vô cùng”,ẩn ý sâu xa. Trong các tài liệu tham khảo haiku tại Việt Nam, đại thi hào Matsuo Basho (1644-1694) được chú trọng giới thiệu nhiều, vì thế người tiếp nhận thơ haiku Việt biết đến Basho nhiều hơn các thi sĩ nổi tiếng khác của Nhật Bản. 

Nếu không nắm được những nguyên tắc mỹ học cơ bản của haiku, khi đối diện với nó, ta vẫn cảm thấy thơ haiku như là một thế giới vô hình, ẩn dật, đôi khi chẳng có nghĩa gì. Phải chăng đó là sự tương thích giữa mã của người gửi và mã của người nhận chưa gặp được nhau. Thông thường khi đối diện với những văn bản như vậy, người tiếp nhận dễ trở nên hờ hững, quay lưng, thậm chí tẩy chay, nhưng với thơ haiku lại là ngược lại. 

Sự bí ẩn vô tình đó của thơ haiku lại là sợi dây vô hình níu kéo người tiếp nhận dừng chân ở lại với nó, tiếp tục khám phá, lấp đầy những khoảng trống mà người gửi “cố tình” để lại. Người làm thơ đã để lại các ẩn ý vào từng câu chữ nhỏ nhắn giản dị, và nhiệm vụ của người đọc là mở cửa bước vào để khám phá ưu tư sâu lắng của tác giả, cảm thụ những gì mà nhà thơ muốn gửi gắm trong bài thơ. Văn bản haiku không tồn tại một cách cố định, bất hủ, mà là một mã mang tính chất mở đầy sức liên tưởng để người đọc cụ thể hoá nó. Ngữ nghĩa thơ haiku còn là những khoảng trống mà người tiếp nhận phải lấp đầy khiến thơ haiku như một lời mời, lời kêu gọi đầy sức quyến rũ. Người tiếp nhận với vốn kiến thức riêng về văn hoá nghệ thuật, cảm thức thẩm mỹ sẽ đem đến cho thơ haiku sự giải mã riêng. Thơ haiku được sinh ra từ cảm thức thẩm mỹ và trí tuệ của nhà thơ, sau đó được trí tuệ và cảm thức thẩm mỹ của người tiếp nhận khơi dậy và tiếp sức mạch sống. Thông qua giải nghĩa cấu trúc của tác phẩm, từ mã của người gửi đến tay của người nhận, từ người nhận này đến với người nhận khác sẽ đem lại cho mỗi tác phẩm haiku một phong cách cảm nhận riêng. 

古池や furu ike ya/ ao xưa 
蛙飛び込む kawazu tobikomu/ ếch nhảy vào 
水の音 mizu no oto/ tiếng nước. 

Đây là bài thơ con ếch của đại thi hào Matsuo Basho chỉ với mã của thanh âm hết sức cô đọng “tiếng nước” đượccon ếch (biểu tượng của mùa xuân đối với người Nhật) khua vang gợi lên sự thanh tịnh của không gian, đã chu du khắp thế giới với bao lời bình, và đáp tại Việt Nam với nhiều cách giải mã khác nhau. 

Nhật Chiêu thi vị với lời bình “tác phẩm là lời ca ngợi thiên nhiên vô cùng nồng nàn, là lời kêu gọi say đắm trở về với thiên nhiên” (3): 

Ao cũ 
Con ếch nhảy vào 
Vang tiếng nước xao. 

Vĩnh Sính cảm nhận được mối quan hệ biện chứng giữa tĩnh và động trong một bài thơ sâu sắc tính gợi: “dùng thanh âm để gợi lên khung cảnh yên tĩnh đến nỗi chỉ một con nhái cũng khua vang một không gian vắng lặng” (4) 

Trong ao xưa 
Con nhái nhảy vào 
Tiếng nước khua. 

và diễn dịch lại bằng thể thơ lục bát Việt Nam:

Ao xưa bóng rũ trưa hè. 
Nhái khua nước động, bốn bề tịch liêu. 

Cũng chỉ những vần thơ ngắn gọn đó, khi đến với học sinh sinh viên, tác phẩm như trở thành một trò chơi ngôn từ đầy thú vị khó quên khi liên tưởng đến hình ảnh chú ếch rơi bõm xuống nước làm khuấy động cả không gian. 

Ao xưa 
Ếch nhảy
Tõm! 

Chẳng ai có thể biết được thanh âm tiếng nước kia là do chú ếch bị rơi tõm xuống ao rồi bì bõm vẫy vùng cố ngoi lên, hay chỉ là một thanh âm “tõm” khi chú ếch tinh nghịch nhảy xuống. Tác giả chỉ ghi lại khoảnh khắc bắt gặp được trong thiên nhiên xảy ra ngay trước mắt “ếch nhảy” và âm thanh do chú ếch tạo ra. Không động từ hay tính từ nào để mô tả hình ảnh chú ếch đang nhảy và âm thanh tiếng nước, chỉ cô đọng lại bằng danh từ “tiếng nước” – âu cũng là đặc trưng biểu hiện của thơ haiku – tĩnh chứ không động. Và người tiếp nhận, bằng sự liên tưởng của mình phải tái tạo lại ‎cuộc sống được thể hiện trong tác phẩm, xây dựng lại thế giới nghệ thuật do nhà văn tạo ra qua hình tượng của ngôn ngữ. Rõ ràng trong quá trình tương tác giữa người viết và người nhận đã góp phần mở rộng ngữ nghĩa của tác phẩm như một trò chơi như J.M.Lotman đã nói. “Nghệ thuật không phải là trò chơi, nhưng trong ứng xử của tác giả và người tiếp nhận – bằng những cách khác nhau – đều cần đến yếu tố trò chơi” (5).

Sự tiếp nhận tác phẩm đều không mang tính ổn định, mỗi lần đọc, mỗi người tiếp nhận có thể không giống nhau, nội dung của tác phẩm luôn được khám phá mới, không phải nhà văn viết như thế nào thì người đọc sẽ tiếp nhận như thế mà sẽ thay đổi khác nhau tuỳ vào “tầm đón” của người tiếp nhận hình thành trên kinh nghiệm sống, trình độ văn hoá, tính cách và khí chất. Thơ haiku ngày càng được phổ biến tại Việt Nam với nhiều hình thức từ dịch thơ, nghiên cứu đến phong trào sáng tác đang ngày càng lan rộng. Cùng một bài thơ haiku tiếng Nhật, khi đến với Việt Nam được chuyển nghĩa thành nhiều tác phẩm khác nhau, mỗi tác phẩm là một cảm thức tiếp nhận riêng. Điều này cho thấy vai trò của người tiếp nhận, người đọc chiếm địa vị thống trị so với địa vị của tác giả như Trương Đăng Dung đã từng nhận định : “Ngôn ngữ như đám sương mù lảng bảng, luôn nhờ tâm hồn người sử dụng nó toả sáng và sưởi ấm. Người đọc đến với văn bản văn học như đến với cái mê cung của mọi sự liên kết, tạo nghĩa không ngừng” (6).

Tuy nhiên, dù với nhiều phong cách diễn giải khác nhau, nhưng điều đó không có nghĩa ai cũng có thể tạo ra nghĩa một cách tuỳ tiện, vượt qua khỏi ranh giới và tư duy thẩm mỹ của tác phẩm và tác giả. Với thơ haiku, đó là tính thống nhất trong sự đa dạng nghĩa của tác phẩm thơhaiku – là khoảnh khắc cảm nhận sự thay đổi giữa các mùa trong năm thể hiện tình yêu thiên nhiên của người Nhật (vì thế trong thơ haiku yêu cầu phải có quý ngữ nói về mùa), và còn là cảm thức thẩm mỹ nổi bật của người Nhật – trầm lắng mà dễ lan toả, lặng lẽ nhưng dễ lay thức hồn người dấn sâu vào thế giới nội tâm của tác phẩm và của chính tác giả. Thơ haiku cũng vậy, không nói hết lời, ẩn ý thâm sâu được ví von như một nghệ thuật ẩn giấu cái đẹp để con người tìm đến khám phá, là nghệ thuật “gợi” ra cái mà người khác không dám phát hiện. Cái phong thái lặng mà tĩnh, cái tâm tư chứa chan cháy bỏng mà trầm mặc phủ kín rêu phong đã được người Nhật thể hiện thành công qua haiku và nhiều hình thức văn hoá nghệ thuật như Trà Đạo, Cung Đạo, Kiếm Đạo, Hoa Đạo…… Cái tĩnh lặng hầu như được nhân lên sau cái động – một trường liên tưởng mênh mang sau khi bản hoà tấu chấm dứt theo tư duy mỹ học phương Đông “‎ý tại ngôn ngoại”. Vì thế tiếp nhận văn học còn là tiếp nhận thế giới văn hoá nghệ thuật là vậy. 

Mặt khác, vẫn còn những băn khoăn về thơ haiku Việt như có cần thiết phải tuân thủ bắt buộc phải có kigo 季語 (từ chỉ mùa) hoặc đề tài về mùa như thơ haiku tiếng Nhật hay không. Khi thơhaiku du nhập vào Đài Loan vào năm 1970 đã cho ra đời Hội Haiku Đài Loan với cả trăm hội viên, hàng năm đều xuất bản tuyển tập thơ haiku dày khoảng 200 trang. Khác với Việt Nam là đa số người sáng tác thơ haiku là các nhà thơ cao niên, những người yêu thơ thì tại Đài Loan đa số người sáng tác thơ haiku là học sinh sinh viên học tiếng Nhật, tuân thủ theo quy ước cấu trúc cổ điển và yếu tố mùa như thơ haiku tiếng Nhật. Năm 2003, Đài Loan đã xuất bản bộ tuyển tập kigo dành cho thơ haiku Đài Loan “Saijiki haiku Đài Loan” dày 325 trang có kèm hình ảnh và dẫn kèm nhiều bài thơ haiku minh họa. Điều này cho thấy thơ haiku Đài Loan tôn trọng yếu tố về mùa. Trong bộ Saijiki thơ haiku Đài Loan, bốn mùa trong thơ haiku Đài Loan được phân theo chu kỳ thời gian như sau (7): 

① Từ giữa tháng hai đến giữa tháng tư: ấm áp 
② Từ giữa tháng tư đến cuối tháng chín: nóng nực 
③ Từ cuối tháng chín đến cuối tháng mười một: mát mẻ 
④ Từ cuối tháng mười một đến giữa tháng hai: lạnh lẽo [‎186, tr.198] 

Trong khi đó khi nói đến mùa tại Việt Nam, đối với phía Bắc có thể cảm nhận được bốn mùa, còn ở phía Nam chỉ có mùa mưa và mùa nắng. Vậy những yếu tố về mùa, thời tiết gắn bó mật thiết với đời sống người Việt nên được chuyển tải vào thơ haiku Việt như thế nào? Có nên dựa theo 4 mùa như thơ haiku Nhật hay chu kỳ thời tiết như kinh nghiệm của thơ haiku Đài Loan hay không ? Làm thế nào để kho tàng phong phú tiếng Việt về mùa, về thời tiết trở nên đắc dụng cho niêm luật thơ haiku Việt như Đài Loan đã làm khi biên soạn bộ từ điển về mùa (Saijiki) dành cho thơ haiku Đài Loan. Tại Việt Nam khi nói về mưa có các thuật ngữ như mưa lất phất, mưa dông, mưa rào, mưa đá, mưa phùn, mưa ngâu. Nói về trăng có trăng tròn, trăng biếc, nửa vầng trăng, trăng mãn khai, trăng thu...và đã từng được các thi sĩ Việt Nam đưa vào trong thi ca Việt. 

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu 
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ! 
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt 
Như đón từ xa một ý thơ. 
(Đà Lạt trăng mờ, Hàn Mạc Tử) 

Khi thơ haiku được đón nhận tại Việt Nam, hình ảnh của mùa, của thời tiết đã bắt đầu được sử dụng hiệu quả trong thơ haiku. 

Trăng ngủ trong gương 
Gương tan trăng vỡ 
Trăng tàn gương trong 
(Nguyên Cẩn, Giải khuyến khích, cuộc thi sáng tác thơ haiku Việt – Nhật năm 2007) 

Hoặc hình ảnh mưa phùn được đưa vào thơ haiku Việt một cách tinh tế: 

Con cá thở 
Bọt bong bóng vỡ 
Mưa phùn 
(Nguyễn Thế Thọ, được chọn trong danh sách các bài thơ tiêu biểu cuộc thi sáng tác thơ haiku Việt – Nhật năm 2007) 

Trong quá trình lan tỏa ra nhiều quốc gia, người tiếp nhận thơ haiku thường luôn phải ghi nhớ hai trong nhiều quy ước: cấu trúc ngữ âm 5 – 7 – 5 âm tiết (chứ không phải từ) và từ chỉ mùa(kigo). Vào thời kỳ đầu khi thơ haiku được “xuất ngoại”, cấu trúc 17 âm tiết vừa mang tính “kỹ thuật” vừa là “linh hồn” của thơ haiku cũng được quan tâm, nhắc đến nhiều nhất nhất là những quốc gia có ngôn ngữ đơn âm như Việt Nam. 

Trong trường hợp của Trung Hoa, “Năm 1980, phái đoàn đầu tiên của Hiệp hội nhà thơ haiku Nhật Bản đặt chân đến Trung Hoa đã tiếp đường cho phong trào một thể loại thơ mới – thơ haiku phát triển rầm rộ tại Trung Hoa” (8). Từ đó thơ haiku với tên gọi Hán Hài (kanhai漢俳) phát triển rộng rãi hơn ở Trung Hoa. Thơ haiku tiếng Nhật 17 âm tiết trở thành thơ 17 âm của kanhai với định nghĩa “Thơ kanhai là thơ được hình thành của 5 – 7 – 5 chữ, viết thành 3 dòng, có kigo” (9) . Mỗi âm trong thơ kanhai mang một nghĩa vì vậy nghĩa của bài thơ được mở rộng nhiều hơn trong khi thơ haiku là thơ của trầm mặc, ít lời. Dù vậy, sự khác biệt đó đã không trở thành rào cản sự phát triển kanhai tại Trung Hoa bởi sự tiếp nhận văn hóa nên được thực hiện theo cách thức quen thuộc của bản địa, vừa cùng nhau phát huy tinh hoa vốn có của mỗi thể thơ dân tộc. 

Còn tại Việt Nam, cho đến nay thơ haiku tuy đã được phát triển rộng khắp, nhưng các quy định của nó về yếu tố mùa, cấu trúc, niêm luật vẫn chưa được định hình cụ thể như Trung Hoa và Đài Loan. Tất nhiên, mỗi nước tiếp nhận một thể loại văn hóa – văn học cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với bản sắc văn hóa của nước đó không nhất thiết cứ phải rập khuôn những gì đi trước. 

3. Tiếp biến cấu trúc 5 – 7 – 5 thơ haiku Việt 

Cấu trúc tổ hợp 5 – 7 – 5 âm của thơ haiku Nhật Bản là quy ước truyền thống của thơ haiku, có vai trò tạo nên nhịp điệu cho thơ haiku và là nhân tố quan trọng thể hiện cảm xúc. Ngôn từ thơ haiku cô đọng, ít lời sâu sắc tính “gợi” các lớp tầng nghĩa ẩn dấu bên trong theo tư duy mỹ học phương Đông “‎ý tại ngôn ngoại”, “lời đã hết mà ‎ý vẫn còn”, “vẽ mây ra trăng”. Vai trò ngắn gọn của thơ haiku mạnh mẽ là thế khiến cấu trúc ngắn gọn 5 – 7 – 5 âm được xem là “sinh mệnh” bất tử của thơ haiku. 

Tại Việt Nam, quy ước về cấu trúc truyền thống này của thơ haiku vẫn còn đang gây ra nhiều tranh cãi bình luận. Dịch thơ haiku sang tiếng Việt hay sáng tác thơ haiku bằng tiếng Việt có nên áp dụng cấu trúc 5 – 7 – 5 âm như của tiếng Nhật hay không? Bởi tiếng Nhật đa âm, chỉ một từtsuki (trăng) đã là hai âm tiết (tsu-ki), một dòng thơ tuy 5 âm tiết tsu-ki-i-chi-rin nhưng cũng chỉ có 4 từ : trăng – nhất – vòng tròn. 

月一輪 tsuki ichi-rin/ một mảnh trăng tròn 
星無数空 hoshi musuu sora/ bên trời đầy sao 
緑なり midori nari/ xanh thẳm. 
(正岡子規) (Masaoka Shiki) 

Trong khi đó, tiếng Việt đơn âm, một từ “trăng” là một âm. Nếu chiếu theo nguyên tắc 5 – 7 – 5 âm tiết trong thơ haiku tiếng Nhật thì thơ haiku tiếng Việt cũng phải tuân thủ nguyên tắc 5 – 7 – 5 âm, tức 5 – 7 – 5 từ. Nhưng thơ haiku Việt lại muốn chú trọng nhiều hơn vào đặc trưng cô đọng, kiệm lời của thơ haiku, nên chỉ chỉ yêu cầu không quá 5 – 7 – 5 từ như các cuộc thi sáng tác thơ haiku Việt – Nhật đã áp dụng. 

Trên gốc cây khô 
Một nụ mầm mới 
Giọt sương đầu tiên. 
(Nguyễn Thế Thọ, Giải nhì Cuộc thi sáng tác thơ haiku Việt – Nhật 2007, không có giải nhất)

Cúc áo bung ra 
Trắng ngần 
Hạ đến. 
(Trần Đức Việt, Giải nhì Cuộc thi sáng tác thơ haiku Việt – Nhật 2007) 

Trong nội san Thơ haiku Việt số 2 của Câu lạc bộ thơ haiku Việt cũng đã đưa ra tiêu chí về cấu trúc ngôn ngữ thơ haiku khi sáng tác haiku Việt: “Một bài thơ không nên quá 12 – 13 chữ, xếp thành ba dòng, có thể dùng các dấu chấm câu, cố gắng có vần điệu” (10). Tiêu chí cho thơ haiku Việt tỏ ra còn khá dè dặt “không nên”, “có thể”, “cố gắng” chứ chưa trở thành một “niêm luật” cụ thể và chuẩn xác. Vì thế cho đến nay các tuyển tập thơ dịch hoặc sáng tác thơ haikuđa số đều tuân thủ theo tiêu chí này. 

Hàng tre rủ 
Những giọt nước loé sáng 
Trong ánh chớp giăng. 
(与謝蕪村Yosa Buson) (Thanh Châu dịch) 

Đêm trừ tịch 
đi ngắm pháo hoa 
đứa trẻ không nhà. 
(Đông Tùng) 

Trên một quan điểm khác về cấu trúc 5 – 7 – 5 trong thơ haiku tiếng Việt, Lê Thị Bình - thành viên của câu lạc bộ thơ haiku Việt, đã dịch lại bài thơ con ếch “Ao cũ/Ếch nhảy/Tiếng nước”của Basho theo cấu trúc 5 – 7 – 5 âm như bản gốc, đã cho rằng nếu làm được như vậy sẽ “hay hơn, có khó một chút nhưng chắc chắn là thú vị hơn” (11). 

Ao xưa cô tịch thế 
Ếch nhảy vào có kể chi đâu 
Náo động nước ao sâu. 

Theo thống kê của Ban tổ chức cuộc thi sáng tác thơ haiku Việt – Nhật lần 2 vào năm 2009, trong tổng số 972 dự thi có 448 bài dự thi theo quy tắc 5 – 7 – 5 (chiếm 46%), và thật ngẫu nhiên khi trong 5 tác phẩm được trao giải, chỉ có giải nhất là sáng tác theo niêm luật ít hơn 5 – 7 – 5 âm, 4 tác phẩm được giải còn lại đều được sáng tác theo cấu trúc 5 – 7 – 5 âm (tức 5 – 7 – 5 từ tiếng Việt) dù Ban Giám khảo không dựa trên tiêu chí này để đánh giá tác phẩm dự thi. 

Đứa Trẻ 
Xó chợ 
chiếc lon trống 
hạt mưa mồ côi. 
(Nguyễn Thánh Ngã, Giải nhất cuộc thi sáng tác thơ haiku Việt – Nhật 2009)

Đêm 

Trăng khuyết treo trời đêm 
Sợi mây trắng choàng qua đỉnh núi 
Giòng sữa chảy êm đềm. 
(Trần Xuân Thái, Giải nhì cuộc thi sáng tác thơ haiku Việt – Nhật 2009) 

Để diễn dịch hay sáng tác thơ haiku bằng tiếng Việt theo đúng cấu trúc 5 – 7 – 5, người tiếp nhận buộc phải thêm từ, thêm ‎ý, đôi khi phải mô tả nếu vậy lại đi ngược với thẩm mỹ thể hiện của thơ haiku nói chung và văn hoá Nhật Bản nói riêng: chỉ gợi chứ không tả, chỉ mô tả gián tiếp chứ không trực tiếp trong khi tinh tế sâu sắc tính gợi là một trong những đặc trưng cơ bản của thủ pháp thơ haiku. “Làm thơ là đã một lần lịch sử trao sứ mệnh, dịch thơ tức sứ mệnh lịch sử cộng trao hai lần.” (12) 

Trở lại với bài thơ về con quạ “Cành khô/ Quạ đậu/ Chiều thu” của nhà thơ Basho, xin được tạm dịch lại theo cấu trúc 5 – 7 – 5 như sau: 

Trên cành khô trĩu nặng 
Quạ im lìm đậu mãi, cô liêu 
U hoài chiều tàn thu. 

Đến đây, người dịch đã phơi bày các trạng thái của tất cả các hiện tượng, sự vật trong bài thơ:trĩu nặng, im lìm, cô liêu, u hoài trong khi bản thơ gốc tiếng Nhật hoàn toàn không hề sử dụng bất cứ tính từ, trạng từ nào để miêu tả – một trong những đặc trưng của thủ pháp tu từ thơ haiku Nhật. Dù bảo đảm cấu trúc truyền thống 5 – 7 – 5 âm của thơ haiku Nhật Bản, nhưng bài thơ dịch đã phá vỡ tính “gợi” thầm lặng mang tính trầm mặc của thơ haiku tiếng Nhật. Dựa trên nghĩa của bài thơ nguyên bản, người dịch đã chuyển dịch lại bằng cú pháp và phong cách miêu tả bóng bảy của ngôn ngữ tiếp nhận – ngôn ngữ Việt. Có thể nói điều này cũng thể hiện sự tương đồng và khác biệt trong thơ ca Việt Nam và Nhật Bản: cảm xúc cao độ, đề cao tình yêu thiên nhiên nhưng cách biểu hiện ‎khác nhau. Thơ Việt du dương, trầm bổng giàu nhạc điệu và đặc biệt là giàu tính từ để miêu tả thì haiku tiếng Nhật thường ít sử dụng tính từ để miêu tả, cảm xúc được nén chặt, che lấp cuộc vận động không ngừng của một thế giới tiềm ẩn đằng sau sự tĩnh lặng đó. 

Như vậy, cấu trúc bài thơ 3 dòng 5 – 7 – 5 của thơ haiku khi đến Việt Nam, đã từng được Vĩnh Sính chuyển dịch thành thể thơ lục bát 2 câu, hoặc được Nhật Chiêu dịch ngắn gọn hơn 5 – 7 – 5 từ. Bên cạnh đó, Nam Trân đầy tính sáng tạo khi chuyển dịch cũng thành 2 câu, vừa đủ ngắn gọn, nhưng đầy tinh tế khi sử dụng các dấu chấm, dấu phẩy thay cho từ ngắt (kire-ji) cho thơ haiku như bài thơ con ếch của Basho: 

Ao xưa, ếch nhảy bõm. 
Chỉ một tiếng nước xao. (13) 

Hoặc bài thơ con quạ đậu cũng của Basho : 

Lũ quạ về đậu lại 
Trên cành khô. 
Chiều thu. (14)

Cấu trúc thơ haiku đang được tiếp biến vô hình vạn trạng tại Việt Nam theo cảm thức riêng của từng người tiếp nhận. Nhưng giá trị thơ haiku không phải trong chữ nghĩa mà là trong sự dẫn dắt thơ haiku đến với người đọc. Người truyền đạt cần phải thể hiện sao cho người tiếp nhận có thể thấu hiểu đến cái tận cùng bên trong của cái được diễn đạt, cảm nhận được cái đẹp nhất đang lặn sâu bên dưới những dòng chữ chứ không phải chỉ là vỏ bọc của lớp ngôn từ mà ai cũng nhìn thấy. Vì thế mối quan hệ giữa tác giả và độc giả trong thơ haiku được quan tâm một cách thỏa đáng mà với văn học, có nghiên cứu độc giả, cụ thể là sự tiếp nhận của độc giả thì cái vòng tròn khép kín của quá trình văn học (tác giả – tác phẩm – công chúng) mới được hình dung đầy đủ.

Để giải mã được quy ước của cấu trúc 5 – 7 – 5 trong thơ haiku cần phải tìm hiểu một cách thấu đáo, nghiên cứu sâu về tư duy cấu trúc ngôn ngữ của thơ haiku – là mã của người gửi, vốn đã được sử dụng một cách sáng tạo, hiệu quả và được cộng đồng chủ thể sử dụng haiku chấp nhận cả hàng trăm năm lịch sử. Nắm bắt được tư duy thẩm mỹ, tác dụng biểu hiện của cấu trúc ngữ âm 5 – 7 – 5 trong thơ haiku sẽ góp phần mở đường định hướng cho việc định hình cấu trúc ngôn ngữ phù hợp, đem lại cho thơ haiku tiếng Việt nét lắng đọng riêng mang phong cách Việt và ngày càng gần gũi với người tiếp nhận.

Lời kết 

Từ sự khác biệt trong văn hoá, thổ nhưỡng, khí hậu, cách hành xử, cảm thức thẩm mỹ giữa Nhật Bản và thế giới đã dẫn đến nhiều khác biệt không kể hết khi thơ haiku va chạm với thế giới. Thế nhưng thơ haiku đã không ngần ngại vượt qua những trở ngại đó để thẩm thấu vào nhiều nền văn học khác nhau trên thế giới, trong đó đang sinh sôi nảy nở tại Việt Nam. Con thuyền thơ haiku đang ngao du trên thế giới với nhiều khác biệt lại là phương tiện giúp con người xoá bỏ mọi khoảng cách, mở rộng sự hiểu biết để cùng hoà chung nhịp đập với trái tim haiku như Kashiwabara Minu - Ủy viên Ủy Ban Quốc tế Hiệp hội Giao lưu quốc tế thơ haiku đã nhận định: “Điều quan trọng trong hiểu biết văn hoá chính là tinh thần khoan dung. Haiku đang vừa phải bảo tồn một cách chắc chắn tính chủ thể của nó, vừa đang dung nạp một chủ thể khác. Ngày nay khi haiku Nhật Bản đang đạt được mục đích xuất khẩu văn hoá ra nước ngoài, thì haiku càng không thể chỉ khép lại với các khuôn mẫu của Nhật Bản mà phải bước ra ngoài với một tâm thế mới. Chính vì thế, haiku Nhật Bản đang trên đường xác lập tính chủ thể mới". (15) 

Tiếp thu, vận dụng và sáng tạo những quy ước đã được định hình của một phiên bản văn hoá – văn học từ bên ngoài cần phải được tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh sự lập lại mang tính khuôn mẫu, sáo mòn, gượng ép dễ dẫn đến làm sai lệch tính tao nhã, cô đọng, súc tích và quyến rũ vốn có của thơ haiku. Nên hay không nên áp dụng cấu trúc ngữ âm 5 – 7 – 5, có hay không cần kigo (từ chỉ mùa) trong thơ haiku Việt...đến nay vẫn chưa có giải đáp thuyết phục. Nhưng rõ ràng thơ haiku tiếng Việt đang cần một “niêm luật chuẩn” thống nhất, chặt chẽ để xác định được quy ước giá trị thuộc về văn học trong quá trình tiếp nhận, để vẫn có thể vừa tiếp nhận vừa tiếp biến nhưng vẫn bảo tồn được giá trị vĩnh hằng: “Haiku là Trân Châu của Đông Dương” (16). 

Bài viết không chủ ‎ý bàn về l‎‎ý thuyết dịch hoặc sáng tác thơ haiku như thế nào mới là đúng nhưng rõ ràng dịch một tác phẩm thơ quả thật không dễ dàng nhưng cũng không thể dễ dãi vì đó chính là quá trình tái sáng tạo một tác phẩm – sản phẩm của nghệ thuật và còn là tái chuyển giao cảm hứng qua bản dịch mà không làm mất đi giá trị cảm xúc vốn có của nguyên bản. Trong bối cảnh hiện đại hoá thơ dân tộc và giao lưu hội nhập với thơ quốc tế, giải đáp được những vấn đề này sẽ góp phần kích thích đông đảo chủ thể sáng tạo thơ haiku Việt tiếp tục tìm tòi, sáng tạo để tạo bước nhảy vọt cho một thể thơ mới tại Việt Nam – thơ haiku Việt. Mong sao từ những trải nghiệm đi trước trên thế giới khi tiếp nhận thơ haiku và kinh nghiệm của chính Việt Nam trong quá trình tiếp nhận thành công các thể thơ của thế giới như thơ Đường, thơ tự do trong phong trào Thơ Mới...sẽ góp phần gợi mở những sáng tạo mới cho thơ haiku Việt tiếp tục phát triển mang đậm màu sắc Việt Nam và hoà nhịp vào tiếng nói haiku trên thế giới như Hồ Hoài Thanh đã đặt vấn đề: “Phải chăng cái mới, cái hiện đại trong thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật ngày nay là những xúc cảm thẩm mỹ mới chân thật, hồn nhiên nhất mà súc tích, cô đọng nhất, có chất lượng thông tin cao nhất, gây được tác động thẩm mỹ trong lòng người xem một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất?” (17)Bên cạnh đó, trong quá trình nghiên cứu sự phát triển của thi ca nước ngoài, cụ thể là thơhaiku Nhật Bản, trong khuôn khổ giới hạn cho phép, bài viết không chỉ nhằm giới thiệu bức tranh mang tính tương đối toàn diện về thơ haiku đã từng nổi danh trên khắp thế giới cả hàng trăm năm nay bên cạnh tìm lời giải đáp đích thực cho thơ haiku Việt mang tính thuần Việt. 

Mục đích cuối cùng của bài viết vẫn là mong sao từ kinh nghiệm phát triển ấy hãy nhìn lại sự phát triển thơ ca đáng tự hào của dân tộc Việt, và hãy làm sao để cải tổ, từ giáo dục phổ thông đến truyền bá ra nước ngoài một cách bài bản nhất, hợp lý nhất để một ngày thật không xa thơ lục bát Việt được nhiều người nước ngoài dù chỉ mới bập bẹ tiếng Việt cũng gật đầu thán phục và ngọng nghịu ngâm được những bài thơ lục bát đầy cảm xúc 

T.S.Nguyễn Vũ Quỳnh Như 
------------ 

(1) Hida Ryutaro. " Dòng chảy của văn học Nhật Bản " (日本文学の流れ), Tạp chí HI - Haiku International 2007, (71) Japan. 
(3) Nhật Chiêu (2003), Văn học Nhật Bản – Từ khởi thủy đến 1868, NXB Giáo dục, tr.265. 
(4) Vĩnh Sính (2001), “Dịch thuật và Khảo cứu – Matsuo Basho và Lối lên miền Oku”, Việt Nam và Nhật Bản – Giao lưu văn hóa, NXB Văn Nghệ, tr. 423. 
(5) Trương Đăng Dung (1998), Từ Văn bản đến tác phẩm Văn học, NXB Khoa học Xã hội, tr. 31. 
(6) Trương Đăng Dung (2004), Tác phẩm văn học như là quá trình, NXB Khoa học Xã hội, tr.11. 
(7), (8), (9) Uchida Sono (2005), 世界に広がる俳句 (Thơ haiku truyền bá rộng rãi ra thế giới), Kadokawa Gakugei Shuppan, Japan, tr. 198, 201, 202. 
(10) Câu lạc bộ haiku Việt – Nội san Thơ haiku Việt, Sáng tác – Bình giảng – Nghiên cứu – Trao đổi, 2 (10 – 2010), tr. 67. 
(11) Câu lạc bộ haiku Việt – Nội san Thơ haiku Việt, Sáng tác – Bình giảng – Nghiên cứu – Trao đổi, số 1( 6-2009), tr.53. 
(12) Nguyễn Phan Cảnh (2006), Ngôn ngữ thơ, NXB Văn học, tr. 200. 
(13), (14) Nguyễn Nam Trân (2011), Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản, NXB Giáo dục, tr. 201, 204. 
(15) Kashiwabara Minu (2007), "俳句の国際化" (Quốc tế hóa thơ haiku), HI - Haiku International 2007, (72), tr. 3, Japan. 
(16) Matsuda Hiromu (2008), 一番やさしい俳句再入門 (Tái nhập môn thơ haiku dễ nhất), Daisan Shoten, Japan, tr. 13. 
(17) Hồ Hoàng Thanh (2004), Về cái chân thật nghệ thuật, NXB Đà Nẵng, tr. 84.[*] Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM 

Lần cập nhật cuối ( Thứ bảy, 03 Tháng 3 2012 00:08 ) 
**********
(DVD sưu tầm, ngẫm nghĩ...)

Xem thêm tại trang web: 
http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2955%3Atip-bin-cu-truc-th-haiku-5-7-5-ti-vit-nam&catid=64%3Avn-hc-nc-ngoai-va-vn-hc-so-sanh&Itemid=108&lang=vi

Thêm cảm nhận

6 nhận xét:

  1. Em sang thăm ạ
    Hình như em có đọc này rùi ạ
    Chúc Anh ngủ ngon

    Trả lờiXóa
  2. Thật lạ...
    Hôm nay ta đọc lại bài này, tìm lại trang gốc

    http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2955%3Atip-bin-cu-truc-th-haiku-5-7-5-ti-vit-nam&catid=64%3Avn-hc-nc-ngoai-va-vn-hc-so-sanh&Itemid=108&lang=vi

    thì đã không còn...
    :?

    Trả lờiXóa
  3. haiku dùng cấu trúc âm tiết là 5/7/5
    nhưng cấu trúc từ đa phần là 3/5/3
    :))

    Trả lờiXóa
  4. Một nghiên cứu về thơ Haiku ở Việt Nam thật giá trị, kiến thức sâu rộng. Giúp độc giả hiểu về thể thơ Haiku một thể thơ độc đáo của Nhật cực ngắn, cảm xúc thật cô đọng.
    Việt Nam mình cũng có thể thơ riêng đó là thơ lục bát, ngắn gọn như ca dao, trường thiên như truyện Kiều. Thật mượt mà bình dị, cũng thật độc đáo. Mỗi thể thơ có sự độc đáo riêng không thể so sánh được,phải không anh?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, mỗi thể thơ có sự độc đáo riêng không thể so sánh được :)

      Xóa

* Đỗ Văn cảm ơn bạn vào thăm blog-lều cỏ!
- Đỗ Văn rất mong bạn ghi lại cảm nhận vào khung nhận xét khi đọc bài đăng ở trên!
- Bạn có thể copy link ảnh và dán trực tiếp vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn Enter-bạn nhớ xóa hết Enter sau link ảnh!).
- Bạn có thể gõ ký tự ở bên phải biểu tượng cảm xúc vào khung nhận xét.

:) :)) :-) :d :-d :p :>)
=)) ;( ;(( ;-( (o) [-( :-?
:o @-) (p) :-s (m) 8-) :-t
:-b b-( :-# =p~ $-) (b) (f)
x-) (k) (h) cheer